Le John, tên gọi khác là Lê Dũng, 29 tuổi, quốc tịch Mỹ,
thường trú tại 14959 STON LELICK BRDKE, Bang Texas, Hoa Kỳ
thường trú tại 14959 STON LELICK BRDKE, Bang Texas, Hoa Kỳ
Cuộc truy lùng kẻ tội phạm gốc Việt hai lần dùng súng cướp ngân hàng Mỹ
Cập nhật lúc 20-02-2011 09:01:14 (GMT+1)
Đầu tháng 4/ 2010, có một nhóm Việt kiều Mỹ gồm 4 người và một cô gái Việt Nam đến thuê phòng nghỉ tại một khách sạn tại quận 1, TP HCM. Họ chỉ là một trong rất nhiều đoàn khách du lịch nước ngoài đến TP HCM với mục đích du lịch. Nhưng họ lại được các trinh sát hình sự đặc biệt chú ý. Lẽ vì, 1 trong 5 người khách du lịch Việt kiều đó có khuôn mặt rất giống với người mà họ đang ráo riết truy tìm: Le John.
Nhưng khi tìm hiểu tại khách sạn thì theo những khai báo của họ tại đây khi làm thủ tục nhận phòng, không có ai trong số họ là Le John cả. Người mà các trinh sát cho rằng có gương mặt giống với Le John, trong tất cả các giấy tờ để lại khách sạn đều ghi tên là Lê Tâm.
Vậy Le John là ai mà lại phải ráo riết truy lùng đến vậy?
Đại tá Đặng Xuân Khang, Chánh Văn phòng Interpol Việt Nam nhớ lại: Mọi chuyện thực ra bắt đầu từ trước đó gần nửa năm. Ngày 7/10/2009, Đại tá Đặng Xuân Khang nhận được bức thư của ngài Keith J.Byrne, tùy viên an ninh Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội. Trong thư, ngài Keith J.Byrne đề nghị Interpol Việt Nam phối hợp bắt giữ 2 tên tội phạm người Mỹ đang bỏ trốn. Thư viết, phía Mỹ tin rằng, hai tên tội phạm đó đang ở Việt Nam để tránh sự truy tố của các nhà hành pháp Hoa Kỳ.
Hai lệnh truy nã đỏ cũng đã được Interpol Washington gửi tới Interpol Việt Nam cùng với lời đề nghị Interpol Việt Nam tích cực truy nã và bắt giữ 2 tên tội phạm bỏ trốn này để xử lý về những tội phạm mà chúng đã gây ra. Một trong 2 tên tội phạm đó là Le John với Lệnh truy nã đỏ mang số A-3055/9-2009: Những lệnh truy nã đỏ này là đề nghị chính thức cho việc tạm thời bắt giữ đối tượng để phù hợp với luật pháp Việt Nam.
Chân dung Le John qua những trang hồ sơ dày đặc bằng tiếng Anh của phía Mỹ chuyển giao cho thấy, Le John là người gốc Việt, quê gốc ở Rạch Giá, Kiên Giang. Nhưng Le John sinh ra ở Mỹ, tại bang Texas, năm 1981 và mang quốc tịch Mỹ. Le John còn có hai tên gọi khác: một tên đặc sệt Tây là Arias Gabries và một tên đặc sệt Việt là Lê Dũng. Theo mô tả của Cảnh sát Mỹ thì Le John cao khoảng 1,7m, người gầy, tóc đen, mắt nâu và có một hình xăm ở phía sau vai trái.
Ngày 20/5/2008, tại Houston, Texas, Le John đã đột nhập vào một ngân hàng, dùng súng đe dọa một nhân viên thu ngân để đòi tiền. Sau khi nhân viên này giao tiền, Le đã bỏ trốn. Hai nhân chứng đã xác định được Le từ một bức ảnh nhận dạng.
Nửa tháng sau, ngày 7/6/2008, cũng tại Houston, Texas, Le tiếp tục thực hiện vụ cướp thứ hai tại một ngân hàng khác. Sau khi vào ngân hàng, Le đã tiến đến hai nhân viên thu ngân, hung hãn chĩa súng về phía họ để đòi tiền. Sau đó, Le trốn khỏi nơi gây án. Và, cũng giống như lần trước, hai nhân chứng đã xác nhận Le là kẻ cướp ngân hàng.
12 ngày sau, Cảnh sát Mỹ đã bắt giữ Le John và Le được tại ngoại ngay ngày hôm sau. Theo giấy triệu tập thì ngày 11/2/2009, Le phải có mặt tại tòa nhưng Le đã không có mặt. Vì vậy mà Tòa án số 351 hạt Harris, Texas đã ban hành hai lệnh truy nã cùng ngày với Le John. Lệnh này được phát hành trên các phương tiện thông tin đại chúng bao gồm cả Internet.
Theo Luật Hình sự của bang Texas 29.03 thì Le đã phạm vào tội danh cướp nghiêm trọng hai lần với hình phạt cao nhất là tù chung thân.
Theo những thông tin phía Cảnh sát Mỹ đã thu thập được thì ngoài quê gốc là Rạch Giá, Kiên Giang, Le John còn đã từng khai nhận một địa chỉ nữa tại Việt Nam là ở đường Mạc Thị Bưởi, quận 1, TP HCM. Gia đình Le hiện cũng đang sống tại Việt Nam và vì vậy mà Cảnh sát Mỹ tin rằng, Le sẽ sớm trở lại Việt Nam. Ngoài ra, Cảnh sát Mỹ còn nghi ngờ một quốc gia nữa mà Le có thể sẽ lẩn trốn là Trung Quốc. Ngày 3/2/2009, Le đã từng đi du lịch Trung Quốc bằng hộ chiếu Mỹ.
Còn theo thông tin mà Văn phòng Interpol thu thập về Le John thì qua phối hợp cùng các đơn vị nghiệp vụ có liên quan tiến hành kiểm tra, được biết Le John đã nhập cảnh vào Việt Nam ngày 5/2/2009 trên chuyến bay mang số hiệu C1781 từ Taiwan tới Tân Sơn Nhất, tức là chỉ hai ngày sau khi Le du lịch bằng hộ chiếu Mỹ ở Trung Quốc. Khi nhập cảnh vào Việt Nam y cũng khai báo địa chỉ là đường Mạc Thị Bưởi, quận 1, TPHCM.
Sau khi nhận được thông tin chính thức từ Interpol Washington, trên cơ sở những tài liệu do phía Mỹ cung cấp và phía Văn phòng Interpol đã thu thập được, lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát đã lệnh cho Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (CSĐTTP về TTXH) tổ chức xác minh truy bắt đối tượng truy nã quốc tế Le John.
Hồ sơ về tên tội phạm nguy hiểm, hai lần cướp ngân hàng tại Mỹ đã được chuyển đến những trinh sát dày dạn kinh nghiệm xử lý. Tuy rằng, chưa có thông tin là Le John đã xuất cảnh ra khỏi Việt Nam và các trinh sát của Cục CSĐTTP về TTXH đã rất nỗ lực truy tìm nhưng không có kết quả. Le John, kẻ cướp ngân hàng với màu tóc đen và màu mắt nâu vẫn bặt vô âm tín.
Ít lâu sau, vào đầu tháng 2/2010, đơn vị chuyên biệt về bắt truy nã là Cục Cảnh sát truy nã tội phạm được thành lập, trực thuộc Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm. Cục này, theo chức năng và nhiệm vụ được giao đã tiếp quản một số tài liệu có liên quan đến công tác truy nã từ Cục CSĐTTP về TTXH. Trong đó, có vụ Le John.
Vậy là hồ sơ về Le John một lần nữa được lần giở lại với con mắt tinh tường của các trinh sát hình sự giỏi nghề, từng nhiều năm làm công tác bắt truy nã.
Quay trở lại với câu chuyện về một nhóm khách du lịch Việt kiều tại một khách sạn tại quận 1, TP HCM mà chúng tôi đã kể ở phần đầu bài báo. Cho dù qua xác minh, người khách du lịch có ngoại hình giống với Le John tên là Lê Tâm nhưng các trinh sát hình sự vẫn không bỏ cuộc. Tiếp tục tìm hiểu về cô gái mang quốc tịch Việt Nam duy nhất trong nhóm Việt kiều, người luôn được giới thiệu là vợ mới cưới của anh ta được biết tên là Tăng Kim M., người ở Rạch Giá, Kiên Giang.
Từ thông tin về cô gái tên Tăng Kim M. các trinh sát tiếp tục xuống Kiên Giang tìm hiểu xem có liên quan gì đến Le John hay không. Tại thành phố Rạch Giá, với sự phối hợp tận tình của công an địa phương, được biết, ở đường Nguyễn Bỉnh Khiêm có một cô gái tên là Tăng Kim M. Cô này mới 20 tuổi, vừa kết hôn với một Việt kiều Mỹ tên là Le John hồi tháng 6/2009. Anh chàng Việt kiều này hơn cô 8 tuổi, quê gốc cũng ở Rạch Giá, từ Mỹ về nước thuê một căn nhà ở phường Vĩnh Thanh Vân, thành phố Rạch Giá để kinh doanh nhà hàng.
Căn nhà Le John thuê tại phường Vĩnh Thanh Vân, TP Rạch Giá. (Ảnh: NTNN)
Quán cà phê Dumonde của anh ta mở ở bãi biển khá đông khách. Một thời gian sau thì anh ta cưới M. bằng một đám cưới rình rang tại nhà hàng Sao Biển ở phường Vĩnh Thanh Vân, Rạch Giá. Tìm đến một số người quen biết với vợ chồng anh chàng Việt kiều, khi trinh sát đưa tấm ảnh của Le John ra thì tất cả đều khẳng định, người trong ảnh chính là chồng của Tăng Kim M.
Tuy nhiên, thời điểm các trinh sát đến tìm hiểu thì vợ chồng cô ta đang không có mặt ở Rạch Giá vì còn đang đi du lịch với hai vợ chồng người anh chồng từ Mỹ về. Nghe đâu họ lên TP HCM chơi rồi đi Phú Quốc, sau đó mới trở về Rạch Giá.
Vậy là thông tin về Le John đã rõ. Thì ra, trong nhóm khách du lịch Việt kiều Mỹ kia, Lê Tâm chính là Le John. Hành tung bí ẩn của Le John đã bị lộ. Và, thế là lưới giăng, chỉ chờ giờ để cất vó.
15h ngày 14/4/2010, kết thúc chuyến du lịch, trở về Kiên Giang, vừa đặt chân đến bến tàu cao tốc thì Le John bị bắt. Ban đầu Le John còn quanh co, cố cãi rằng đã có một sự nhầm lẫn nào đó nhưng khi được tận mắt nhìn thấy tờ Lệnh truy nã đỏ quốc tế thì Le John bỗng im bặt, mồ hôi vã ra như tắm. Một tháng sau, Le John đã được Văn phòng Interpol Việt Nam cùng các cơ quan chức năng trao trả cho phía Mỹ theo đúng thủ tục quy định tại sân bay Tân Sơn Nhất.
Văn phòng Interpol Việt Nam và các cơ quan chức năng bàn giao Le John cho cảnh sát Mỹ tại sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất.
Ngay sau đó, ngày 18/5/2010, ông Michael W. Michalak, Đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội đã gửi thư cảm ơn tới lãnh đạo Bộ Công an về sự hợp tác nổi bật của Văn phòng Interpol Việt Nam, Cục Cảnh sát truy nã và Cục Quản lý xuất nhập cảnh trong việc bắt giữ và trục xuất đối tượng chạy trốn người Mỹ Le John.
Trong thư, ngài Đại sứ cũng bày tỏ rằng, giờ đây các cơ quan thi hành pháp luật Hoa Kỳ vui mừng được đưa đối tượng ra công lý và ngài Đại sứ cũng khẳng định rằng, đây là một bước tiến tuyệt vời nữa trong quá trình tiếp tục cùng nhau làm việc để tăng cường hợp tác trong lĩnh vực thi hành pháp luật và các lĩnh vực khác
Theo Anninhthegioi
SOURCE, SOURCE
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.